Nhiều người vừa chat, vừa viết blog mà vẫn hoàn thành công việc bởi họ đã áp dụng một số nguyên tắc cơ bản để không bị ngập lụt trong hàng trăm e-mail mới, ổ cứng đầy hay khổ sở vì quên copy dữ liệu trong PC ở nhà đến công ty. Những nguyên tắc cơ bản đó là gì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Với phần mềm miễn phí như LogMeIn hay Teamviewer, mọi người có thể ngồi ở cơ quan và đăng nhập máy tính tại nhà (hoặc ngược lại nếu mạng công ty không cài firewall) để đọc/gửi e-mail hay mở bất cứ file gì họ muốn. Ngay cả máy tính bảng hay Smartphone cũng có ứng dụng hỗ trợ tương tự như Mocha VNC hay Teleport.
Bạn có biết rằng khi bạn ghi nhớ được những phím tắt phím như Ctrl-C (sao chép đoạn thông tin), Ctrl-V (dán dữ liệu), Ctrl-S (lưu dữ liệu), Ctrl-T (mở tab mới trong Firefox, IE) thì bạn sẽ làm việc được nhanh và hiệu quả hơn... Không chỉ vậy, với thuộc lòng những phím tắt, bạn còn có thể khởi động ứng dụng, phóng to thu nhỏ kích thước ảnh/font chữ, di chuyển file... mà không dùng tới con chuột. Bạn có thể tham khảo hệ thống phím tắt của các phần mềm thông dụng trên Wikipedia.
Hàng ngày, bạn nên dành ra vài phút để xóa đi e-mail không cần thiết, như thư nhắc báo của Yahoo 360, Flickr, Facebook... và sắp xếp các thông điệp vào thư mục (folder) riêng để nhanh chóng tìm lại khi cần.
Công việc bận rộn đôi lúc sẽ khiến bạn quên mất điều cần làm. Khi đó, bạn nên sử dụng các công cụ nhắc báo có như: nhắc báo trong điện thoại, giấy dán màn hình, file trên desktop (Sticker) hay những website quản lý tác vụ online như Remember the Milk...
Đa số điện thoại hiện nay hỗ trợ tính năng chụp ảnh. Do vậy, khi muốn ghi nhớ một thông tin nào đó, chẳng hạn số liệu trên tấm vé, danh thiếp, vỏ chai, bảng hiệu... bạn chỉ cần chụp lại bằng điện thoại thay vì mất thời gian chép ra giấy. Hiện trên web đã có nhiều dịch vụ chuyển ảnh số thành file PDF như ScanR.
Ai cũng có một vài folder chứa thông tin cá nhân như ảnh con cái, người yêu, đối thủ cạnh tranh, đồng nghiệp... và không muốn người khác vô tình xem được. Để đảm bảo an toàn cho các thông tin này, bạn nên trang bị cho mình những phần mềm mã hóa như TrueCrypt. Nó sẽ giúp bạn cài mật khẩu cho file để không sợ lộ dữ liệu quan trọng nếu thiết bị đó bị thất lạc.
Nhằm tránh tình trạng các công cụ tìm kiếm hiển thị cả trăm nghìn kết quả hỗn tạp, bạn nên đặt từ khóa trong dấu ngoặc kép và bổ sung dấu giữa các từ. Hoặc khi tra cứu trong e-mail, nên thêm from:, to:, subject:, ví dụ from:"Bill Gates" subject:"dinner date".
Người sử dụng đôi khi gặp "thảm họa" mất mát tài liệu khi ổ cứng hỏng, bị mất cắp, virus... Cách tốt nhất là bạn nên ghi lại những file quan trọng ra đĩa DVD hoặc tải lên những dịch vụ lưu trữ trực tuyến miễn phí. Trong đó FileSarv cho phép upload file có kích thước lên tới 10 GB (cao nhất trên Internet hiện nay) hoặc FileDropper hỗ trợ đăng file dung lượng 5 GB...